Kinh tế Đức ‘lún sâu vào khủng hoảng’

Khảo sát mới nhất cho thấy doanh nghiệp Đức ngày càng bi quan, kéo tụt kỳ vọng hồi phục tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) hôm 26/8 công bố chỉ số môi trường kinh doanh tháng 8 đạt 86,6 điểm, giảm nhẹ so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này đi xuống, kéo tụt kỳ vọng về khả năng hồi phục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

“Kinh tế Đức đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng”, Chủ tịch Ifo Clemens Fuest nhận xét.

Khảo sát của Ifo được thực hiện hàng tháng với khoảng 9.000 lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài môi trường kinh doanh, chỉ số đánh giá về tình hình hiện tại và triển vọng tương lai cũng đi xuống, cho thấy doanh nghiệp đang bi quan.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Volkswagen tại Wolfsburg (Đức). Ảnh: Reuters

“Kinh tế Đức đang trong trạng thái lạm phát cao kèm tăng trưởng chậm”, Klaus Wohlrabe – nhà kinh tế tại Ifo nhận định. Tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ đều thiếu đơn hàng, đầu tư yếu và người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu do lo ngại lạm phát.

Wohlrabe dự báo GDP Đức quý III có thể còn giảm mạnh hơn. Quý trước, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bất ngờ chỉ tăng 0,1%. Lạm phát tháng 7 tăng tốc lên 2,3%.

“Hiện tại không có nhiều lý do để lạc quan”, Elmar Voelker – nhà kinh tế tại ngân hàng LBBW nhận định. Ông liệt kê hàng loạt thách thức, từ kinh tế toàn cầu bất ổn, rủi ro địa chính trị đến cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ tháng 11. Những yếu tố này khiến doanh nghiệp khó kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm nay.

Thomas Gitzel – kinh tế trưởng tại VP Bank cũng nhận thấy quá trình hồi phục kinh tế “hiện tại không diễn ra”. “Kinh tế Đức tiếp tục nằm giữa ranh giới suy thoái và tăng trưởng không đáng kể”, ông nói.

Khảo sát của Ifo cho ra kết quả tương tự chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8. Theo đó, hoạt động sản xuất của Đức co lại tháng thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn dự báo, xuống 42,1 điểm. PMI dưới 50 cho thấy sản xuất giảm.

Các số liệu gần đây chỉ ra kinh tế Đức nhiều khả năng tăng trưởng yếu trong quý III. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) khẳng định nước này không suy thoái, dù triển vọng vẫn ảm đạm.

Năm ngoái, Đức là nền kinh tế lớn có diễn biến tệ nhất thế giới, khi GDP giảm 0,3% trong bối cảnh lạm phát kéo dài, giá năng lượng cao và nhu cầu nước ngoài yếu. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Covid-19, nước này tăng trưởng âm.

Hà Thu (theo Reuters)

 

Có thể bạn quan tâm

Tin tức mới