Được biết, giá cam sành trên địa bàn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hiện có chiều hướng đi xuống, trong khi sản lượng cam sành đến thời vụ thu hoạch đến hết tháng 3/2023 xấp xỉ khoảng 60.000 tấn (các thương lái ở địa phương: Hợp Tác xã, Cơ sở thu mua cam sành mỗi ngày khoảng 200 tấn/ngày) giá thu mua tại vờn giao động từ 1.500 – 4.000 đồng/kg tuỳ loại (trong đó đối với loại cam sành đã chín, vượt thời gian thu hoạch từ 1 đến 2 tháng có giá từ 1.500 – 2.000 đồng/kg nhưng thương lái không ngó ngàng, từ đó dẫn đến tình trạng ùn ứ, nhiều nhà vườn phải cắt bỏ, hoặc bán với giá rẻ như cho.
Vì lẻ đó, hiện có nhiều tổ chức, cá nhân kênh bán hàng ở nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp từ TP.HCM đã tổ chức triển khai, hỗ trợ nông dân tiêu thụ cam sành tại các nhà vườn ở tỉnh Vĩnh Long cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL. Trong đó, Ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam chung tay đồng hành. Đây là một trong những đơn vị bảo trợ, kết nối chung tay hỗ trợ nông sản, thu mua cam sành với giá hợp lí và trao tặng miễn phí cho các đối tượng khó khăn đang sinh sống tại các cơ sở thụ hưởng thuộc chuỗi mạng lưới của Food Bank Việt Nam như: Mái ấm, trường tình thương, trung tâm bảo trợ, viện dưỡng lão, các bếp ăn, bệnh viện 0 đồng,…
Chia sẻ về điều này, Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Chủ tịch Food Bank Việt Nam chia sẻ: “Những ngày qua, nhiều kênh, cửa hàng, doanh nghiệp, đối tác, thậm chí là học sinh, sinh viên đều hướng về bà con nông dân trồng cam ở tỉnh Vĩnh Long, vì số lượng cam sành ùn ứ hàng nghìn tấn đang đến ngày thu hoạch mà không ai mua, chua xót nhìn cảnh nhà vườn cắt bỏ, hoặc bán mà như cho. Chúng tôi đã triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp và làm việc cùng các Sở, Ban, Ngành tại địa phương, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, cụ thể là tỉnh Vĩnh Long. Ngay sau đó, Dự án đã đưa hơn 200 tấn cam chín cây về TP.HCM tiêu thụ, hỗ trợ bà con nông dân với tiêu chí “Tiêu thụ cam sành chín cây- Hỗ trợ nông dân” từ ngày 18/2 giá chia sẻ 1 túi 10kg mỗi kg 10.000đ.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi khẳng định: Đây là Dự án nằm trong chuỗi các chương trình đồng hành cùng nông dân diễn ra thường niên hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản bao gồm: trái cây, rau, củ, quả… vì nhiều lý do như ít bắt mắt hoặc tắc nghẽn trong thu hoạch do thị trường biến động, thời tiết,… nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sẽ được Food Bank cùng các đối tác chuyển đến người tiêu dùng với giá cả phải chăng hoặc miễn phí với các cơ sở xã hội. Như vậy, chương trình vừa hỗ trợ nông dân, người tiêu dùng vừa hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm”.
“Chương trình tiêu thụ cam sành chín cây – chung tay hỗ trợ nông dân” đã thu gom hơn 200 tấn cam và đang được bày bán trên các xe di động, đứng dọc trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 13 ở TP.HCM. Với giá mua tại nhà vườn là 6.000 đồng/kg và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường với giá là 10.000 đồng/kg. Nguồn thu từ việc bán cam được dùng để tiếp tục mua cam của bà con nông dân ở những địa phương khác đang bị ùn ứ. Ngoài ra, Dự án cũng phân phối và gửi đến hơn 100 mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão trong hệ thống mạng lưới thụ hưởng của Food Bank Việt Nam.
Tương tự, ông Lê Văn Tám – Trưởng phòng nông nghiệp Huyện Trà Ôn thông tin: Do có thói quen mùa vụ khi cam xuống giá thì neo lại không bán và cho rằng sau tết Nguyên đán 2023 giá tăng lên rồi bán cũng không muộn. Chính vì vậy mà sản lượng cam sành đến lứa thu hoạch cuối năm 2022 người dân không bán, mà neo lại đến nay đã quá lứa thu hoạch, thương lái không ai mua, thị thường trong nước cũng như các tỉnh lân cận tiêu thụ chậm, mà cam thì chín ngày một nhiều hơn. Bắt buộc người phải cắt bán với giá thấp với mong muốn được sạch vườn để chuẩn bị cho những vụ sau. Hiện sản lượng đến hết tháng 3/2023 được ước tính khoảng 60.000 tấn, giá bán với giá từ 1.500 – 2.000 đồng/ kg.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, toàn huyện Trà Ôn có diện tích trồng cam sành là 9.561,8 ha (trong đó diện tích sam sành mới cho trái là 4.050,6 ha (vụ 1); diện tích cam sành đang cho hiệu quả kinh tế có 4.828,4 ha (vụ 2-3); diện tích cam kém hiệu quả là 682,8 ha (vụ 4-5). Sản lượng cam sành hàng năm thu hoạch khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm.
Ứng dụng công nghệ đầu tiên dành cho quả cam vươn tầm thế giới
Để khắc phục tình trạng mất giá được mùa, được mùa mất giá, không còn tình trạng giải cứu như hiện nay đối với quả cam, đồng thời đưa ra các sáng kiến, áp dụng phương thức mới trong việc kết nối và tiêu thụ nông sản cho người dân. Thời gian tới, Dự án Farm To Food Bank sẽ đưa công nghệ số hóa vào trong sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm phát triển loại trái cây dinh dưỡng này tại Việt Nam qua đó quảng bá và đưa quả cam Việt Nam đến được với nhiều Tỉnh/TP trên cả nước, xa hơn là đưa hương vị quả cam vươn tầm quốc tế. Song song với đó là kết nối thương hiệu cam ngon từ nhiều nước trên thế giới về thị trường Việt Nam. Dự án với tên gọi là Sàn Thương Mại Điện Tử đầu tiên dành cho quả cam (Vuacam.vn), Dự án dự kiến ra mắt vào tháng 4/2023.
Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách, pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam luôn sẵn sàng làm nhịp cầu nối trong việc hoạch định chiến lược truyền thông, nghiên cứu thị trường. Tiến sỹ. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn cho biết: Là vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy CĐS vào việc phát triển sản phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng 4.0 để thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp không hề có công thức chung, phải được điều chỉnh để phù hợp cho từng địa phương, trang trại và hộ nông dân. Có thể chỉ cần áp dụng công nghệ phù hợp để quả cam vươn tầm thế giới…
Bình An – Ngọc Danh -nhipsongthitruong.vn