Điểm chuẩn đại học năm nay có nhiều biến động, đặc biệt các ngành tuyển tổ hợp văn – sử – địa điểm chuẩn cao chót vót.
Ngày 18-8, các trường đại học trong cả nước tiếp tục công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thống kê cho thấy điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động, đặc biệt các ngành tuyển tổ hợp văn – sử – địa điểm chuẩn cao chót vót, bỏ xa các ngành xét tuyển toán – lý – hóa.
Không ít ngành, thí sinh đạt 9,6 điểm mỗi môn vẫn rớt nguyện vọng đăng ký. Điều này thể hiện rõ nhất ở khối ngành sư phạm. Những năm trước, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm văn, sử, địa có cao hơn nhóm ngành sư phạm khoa học tự nhiên nhưng không quá cách biệt, nhất là sư phạm toán. Thế nhưng khoảng cách này năm nay được nới rộng.
Chẳng hạn tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, hai ngành sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử có điểm chuẩn lên đến 29,3. Điều này tương đồng với việc thí sinh phải đạt 9,767 điểm mới trúng tuyển. Đây là mức điểm chuẩn cao nhất trong số các trường đại học đã công bố.
Đó là chưa kể với ngành sư phạm lịch sử, thí sinh vừa phải đạt điểm 29,3 vừa phải đặt nguyện vọng 1 mới trúng tuyển. Ngành sư phạm địa lý thấp hơn nhưng cũng lên đến 29,05. Ngành sư phạm lịch sử – địa lý cũng có điểm chuẩn tới 28,83.
Trong khi đó cũng tại trường này, ngành sư phạm toán học chỉ có 27,47. Các ngành sư phạm vật lý, hóa học, sinh học có điểm chuẩn dao động từ trên 26 đến trên 27 điểm. Ngay cả các ngành sư phạm “môn phụ” như giáo dục công dân cũng có điểm chuẩn cao hơn những ngành này.
Điều này cũng tương tự ở các trường sư phạm hay đại học đa ngành có đào tạo nhóm ngành giáo viên. Không ngành nào có điểm chuẩn cao hơn sư phạm. Cũng không có ngành sư phạm nào có điểm chuẩn cao hơn khối sư phạm văn – sử – địa.
Điểm chuẩn tổ hợp văn – sử – địa năm nay hầu như trường nào cũng tăng. Điều này không nằm ngoài dự báo khi số lượng thí sinh thi bài thi khoa học xã hội tăng, điểm thi cũng cao hơn năm 2023 rất nhiều.
Năm nay số thí sinh khối C tăng khoảng 20.000 so với năm 2023. Điểm trung bình ba môn thi năm 2023 là 18,97 điểm đã tăng 1,98 điểm lên 20,95 điểm năm 2024.
Nếu xét ở mức điểm giỏi và xuất sắc, số lượng thí sinh còn tăng nhiều hơn. Ở mức điểm 24, năm 2023 có 33.459 thí sinh, năm 2024 tăng lên gấp đôi.
Trong khi đó, số lượng thí sinh đạt điểm xuất sắc còn tăng “kinh hoàng”. Ở mức điểm 27, năm 2023 có 6.041 thí sinh, năm 2024 số lượng thí sinh đạt mức điểm này tăng gấp 4 lần. Số lượng thí sinh đạt 28 điểm tăng gấp 6 lần năm 2023, 29 điểm tăng hơn 10 lần. Số lượng thí sinh từ trên 29 điểm đến 30 điểm năm 2024 tăng hơn 54 lần năm 2023.
Đó là lý do khiến điểm chuẩn nhiều ngành, nhiều trường xét tuyển văn – sử – địa tăng chóng mặt. Không ít trường năm trước có điểm chuẩn thường thường bậc trung thì năm nay có ngành 9 điểm mỗi môn vẫn rớt. Đơn cử là Trường đại học Văn hóa TP.HCM, ngành nào điểm chuẩn cũng tăng, cao nhất lên đến 8,5 điểm.
Tương tự nhiều ngành có điểm chuẩn 15, 16 ở năm trước năm nay vọt lên 25 điểm. Chẳng hạn ngành Việt Nam học ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm trước có điểm chuẩn 16,4, năm nay “hóa rồng” với điểm chuẩn lên đến 25,07.
Điểm chuẩn tăng đột biến
Tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội, năm nay có 6/18 ngành có điểm chuẩn khối C từ 23,85 đến dưới 26,98 điểm. 12 ngành còn lại có điểm chuẩn trên 27, nên dù có đạt được 9 điểm mỗi môn vẫn rớt. Ngành cao nhất lên đến 28,9 điểm. Như vậy, điểm chuẩn năm nay tăng đáng kể so với năm trước.
Điểm chuẩn khối C ở nhiều trường đại học lớn như Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM), Học viện Báo chí tuyên truyền… cũng ở mức 9,5 điểm mỗi môn vẫn… rớt.
Đọc bài viết gốc tại đây.