Chủ “Hàm cá mập” ở hồ Gươm sắp thoái vốn khỏi hai “con gà đẻ trứng vàng”

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tại ngày 31/12/2022, PV Machino đang sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki với tổng giá trị sổ sách là 62 tỷ đồng.

CTCP Máy – Thiết bị dầu khí (PVMachino, mã: PVM) vừa công bố thông tin về việc chấp thuận CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) là đơn vị thực hiện tư vấn thoái vốn của PVM tại Công ty TNHH Việt Nam Nippon Seiki (VNS) và Công ty TNHH FCC Việt Nam (FCC Việt Nam).

Cụ thể, giá chuyển nhượng sẽ căn cứ vào giá đơn vị tư vấn thực hiện thoái vốn và việc đàm phán với đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng phần vốn của Công ty, nhưng đảm bảo không thấp hơn giá đơn vị tư vấn thoái vốn đưa ra.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tại ngày 31/12/2022, PVM đang sở hữu 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki với tổng giá trị sổ sách là 62 tỷ đồng.

Các đối tác trong liên doanh đều là những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất máy móc như Showa, Nippon Seiki, FCC, Asia Honda Motor…. Các liên doanh này chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các khách hàng lớn BMW, Honda, Harley Davidson…

Các liên doanh này từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của PVM khi hàng năm đều đặn mang lại cho PVM thu nhập tài chính từ cổ tức tiền mặt khoảng 70 – 100 tỷ.

Tuy vậy, trước khi muốn thoái vốn khỏi VNS và FCC Việt Nam, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 21/12/2022, Tổng giám đốc PVM cho biết, đại dịch khiến hoạt động của các công ty liên doanh/liên kết kém hiệu quả, khiến cổ tức được chia thấp nhất trong nhiều năm.

Đồng thời, Ban lãnh đạo PVM đã trình đại hội thông qua chủ trương chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số đơn vị có vốn góp và các khoản đầu tư tài chính khác để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh của Công ty. Trong đó, HĐQT được ủy quyền quyết định giá chuyển nhượng phần vốn đầu tư tại từng đơn vị/từng danh mục đầu tư tài chính khác, bao gồm cả trường hợp giá chuyển nhượng phần vốn đầu tư vượt quá 35% tổng giá trị tài sản của Công ty trong báo cáo tài chính gần nhất.

Còn theo thống kê của chúng tôi, doanh thu tài chính của PVM dao động quanh mức trên dưới trăm tỷ giai đoạn 2016 – 2019, đến năm 2022 vừa qua chỉ còn 69 tỷ, ghi nhận lãi trước thuế giảm xuống còn 43 tỷ.

Chủ "Hàm cá mập" ở hồ Gươm sắp thoái vốn khỏi hai "con gà đẻ trứng vàng" - Ảnh 2.

PVMachino tiền thân là Tổng công ty Máy và phụ tùng (Machinoimport) – là doanh nghiệp hàng đầu của Bộ Thương mại. PVMachino có vốn điều lệ hơn 386 tỷ đồng, chuyên xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng vật tư.

Bên cạnh việc sở hữu các công ty con nhiều “đất vàng”, công ty liên doanh/liên kết, PVM cũng quản lý và sử dụng nhiều bất động sản. Nổi bật có thể kể tới lô đất 1.828m2 tại số 8 Tràng Thi (Hà Nội); lô đất 23.600m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, Hà Nội).

PVM còn có quyền sử dụng đất vô thời hạn tại thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội và được biết đến nhiều nhất khi liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hồ Gươm Plaza – Hàm Cá Mập), nơi có khá nhiều thương hiệu có tiếng đang tập trung kinh doanh.

Ngoài ra, công ty cũng sở hữu 10% vốn góp (giá trị ghi sổ 81,7 tỷ đồng) tại Dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp Khu đô thị Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội)…

Hiện nay, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SHS đang là Chủ tịch HĐQT của PVM.

Theo Chi Tú

Có thể bạn quan tâm

Tin tức mới