Động lực nào quyết định tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?

“Con số tăng trưởng 9% cho 6 tháng cuối năm là rất cao trong điều kiện kinh tế khó khăn và là một mức tăng trưởng đầy thách thức, có thể nói là khó khả thi”, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận.

Cùng thời điểm này năm ngoái, khi số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được công bố, đa phần các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan với triển vọng tăng trưởng cả năm 2022.

Thậm chí, tại phiên họp Chính phủ tháng 6/2022, các thành viên Chính phủ đã thống nhất thông qua nâng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 lên 7% theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cao hơn 0,5% ngưỡng mục tiêu cao mà Chính phủ đề ra hồi đầu năm.

Tuy nhiên, khi số liệu GDP quý 2 năm nay được công bố với mức tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2022 và GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72% so với cùng kỳ – mức tăng trưởng gần như là thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023 và chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý 1/2020 – thì các chuyên gia lại không còn lạc quan được như vậy.

Với mức tăng trưởng nửa đầu năm chỉ đạt 3,72%, các chuyên gia cho rằng áp lực trong nửa cuối năm sẽ rất lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, nhất là trong bối cảnh kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Các động lực khó có đột biến

Đánh giá về mức tăng trưởng 4,14% của quý 2/2023, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng mức tăng trưởng này hơi lạc quan so với thực tế.

Với tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, theo PGS.TS Phạm Thế Anh khả năng những tháng cuối năm tăng trưởng sẽ không được như kỳ vọng.

“Tôi cho rằng tăng trưởng cả năm 2023 dự báo sẽ dưới mức 5% bởi các động lực tăng trưởng chính sẽ khó có những đột biến, chỉ có thể trông chờ vào kinh tế thế giới phục hồi và những khó khăn trong nước được tháo gỡ”, ông Phạm Thế Anh nhận định.

Động lực nào quyết định tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm? ảnh 1

Trong khi đó, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hiện nay, theo đánh giá lại của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Quốc hội và Chính phủ đặt ra thì 6 tháng cuối năm GDP phải đạt 9%. Như vậy, quý 3/2023 (trên nền tăng trưởng rất cao của năm ngoái) GDP vẫn phải đạt 7,4%, còn quý 4 phải đạt trên 10%.

“Con số tăng trưởng 9% cho 6 tháng cuối năm là rất cao trong điều kiện kinh tế khó khăn và là một mức tăng trưởng đầy thách thức, có thể nói là khó khả thi”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ông Hiếu phân tích, đối với ngành nông – lâm – nghiệp – thủy sản, hiện chiếm khoảng 12% trong cơ cấu kinh tế, mức tăng trưởng cũng có giới hạn và thường chỉ tăng khoảng 3% mỗi năm.

Còn đối với khu vực công nghiệp và xây dựng hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Theo báo cáo xu hướng kinh doanh, dù tình hình trên thế giới có xu hướng tốt lên nhưng bao giờ cũng có độ trễ. Đơn cử như việc nhập khẩu nguyên liệu về hiện nay đang sụt giảm rất mạnh. Nếu có xu hướng tốt lên thì nhập khẩu phải tốt lên nhưng hiện nay lại sụt giảm. Vì vậy, có thể khu vực này sẽ có khởi sắc những tháng cuối năm nhưng tốc độ tăng trưởng vượt bậc rất khó.

Với khu vực dịch vụ, năm ngoái nền tăng trưởng đã rất cao, đặc biệt là quý 3 cho nên trên nền tăng trưởng cao của năm ngoái, quý 3, quý 4 năm nay khó có thể tăng trưởng đột biến được.

Tăng trưởng cả năm 2023 khoảng 5%

Ông Lê Trung Hiếu cho biết thêm, sau khi công bố số liệu tăng trưởng nửa đầu năm, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại và cập nhật kịch bản tăng trưởng của 6 tháng cuối năm sát với thực tế hơn. Theo đó, khả năng tăng trưởng cả năm 2023 theo cơ quan thống kê sẽ vào khoảng 5-5,5%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 6,1%. Trong đó quý 3 khoảng 5,4% và quý 4 khoảng 6,7%.

Còn kịch bản tăng trưởng cả năm đạt 5,5% thì ngoài các động lực như từ mảng dịch vụ, đầu tư công,… mảng công nghiệp phải có tăng trưởng đột biến.

Động lực nào quyết định tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm? ảnh 2

“Tôi cho rằng kịch bản tăng trưởng cả năm 2023 đạt 5% là khả thi hơn”, ông Hiếu nói và cho biết, trong cả hai kịch bản, cơ quan thống kê đều xây dựng trên cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ tốt lên. Đặc biệt là đầu tư công sẽ có phát triển vượt bậc, nhất là ngành xây dựng sẽ hỗ trợ thêm cho ngành công nghiệp tăng trưởng.

Còn về cầu tiêu dùng, liên quan đến khu vực thương mại thì hiện nay các chính sách của Nhà nước khá đầy đủ. Chính phủ đã ban hành các chính sách có tính chất kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% hay giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước,… Điều này sẽ giúp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên.

Ngoài ra, các chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 12 của Chính phủ hay động thái liên tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước những tháng gần đây cũng sẽ dần có hiệu quả và hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp lại phụ thuộc rất nhiều vào đơn hàng, vào cầu tiêu dùng trong và ngoài nước có phục hồi được hay không, khi đó họ mới đầu tư mở rộng kinh doanh thì mới có nhu cầu tiếp cận tín dụng.

Điều tra xu hướng kinh doanh cho thấy, tồn kho của nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn khá cao nên phải giải phóng được hàng tồn, lúc đó các guồng máy mới bắt đầu hoạt động lại và thị trường tiền tệ, ngân hàng cũng mới có những chuyển biến theo.

“Hiện nay, Chính phủ gần như đã sử dụng hết các giải pháp để giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào cầu quốc tế, nhất là các đối tác lớn như EU, Mỹ. Cho nên, để kinh tế trong nước tăng trưởng vẫn phải kỳ vọng nhiều vào sự phục hồi của kinh tế thế giới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đầu tháng 4/2023, trên cơ sở kết quả quý 1, dự báo tình hình quý 2 và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.

Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý 2, 3 và 4 theo kịch bản tại Nghị quyết số 01 (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%). Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 – 2025 (6,5 – 7%), đòi hỏi năm 2024 – 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.

Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý 2 là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý 3 và quý 4 tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01. Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5 – 7%.

ĐINH THƠM – https://nhipsongkinhdoanh.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin tức mới